Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển năng lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa”

Thứ tư - 13/12/2017 10:00

Ngày 28 tháng 11 năm 2017, Trường Đại học Sư phạm - ĐHTN tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển năng lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa”.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ Trường Đại học St. John’s (Hoa Kỳ); Trường Đại học Wollongong, Đại học Griffith (Úc); Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Chang Hua (Đài Loan); Trường Đại học Khon Kean (Thái Lan); Viện Nghiên cứu giáo dục – Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore); Đại học Kebangsaan (Malaysia); Ban Quản lý chương trình ETEP - Bộ Giáo dục và Đào tạo; các đại biểu đến từ các trường đại học sư phạm, các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước; các Sở giáo dục – Đào tạo: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên có NGƯT, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng các nhà giáo, các nhà khoa học đến từ các Khoa/ Bộ môn trực thuộc; các đại biểu đến từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Giang.

          Mục tiêu của Hội thảo là nhằm phát triển môi trường hợp tác giữa các trường đào tạo giáo viên trong và ngoài nước; tạo cơ hội giao lưu học thuật giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông. Trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phương thức tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, đề xuất khung năng lực cốt lõi của người giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

 

GS.TS. Phạm Hồng Quang phát biểu tại Hội thảo

 

          Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Việc tổ chức Hội thảo “là cơ hội tốt để chúng ta gặp gỡ, chia sẻ, hợp tác trong tương lai vì một nền giáo dục dân chủ, tiến bộ và trước hết là hợp tác nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý… Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, thách thức lớn nhất là thay đổi chính bản thân mình, đối với giáo viên và giảng viên sư phạm là các thói quen, là phong cách giảng dạy, là tư duy sáng tạo và trách nhiệm; đối với các nhà quản lý là sự thay đổi phương pháp, tầm nhìn và tư duy lãnh đạo sự thay đổi…”. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.

          Hội thảo tập trung vào 05 chủ đề chính: Một là, năng lực giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và năng lực giảng viên sư phạm; hai là, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; ba là, bồi dưỡng giảng viên sư phạm cốt cán và phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý; bốn là, mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; năm là, đổi mới quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

          Hội thảo đã nhận được 41 báo cáo khoa học, trong đó có 07 báo cáo của các nhà khoa học đến từ các nước: Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan. Các báo cáo khoa học tập trung vào các vấn đề: Phát triển chương trình; dạy học tích hợp, giáo dục STEM và giáo dục đa văn hóa; phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; mô hình phát triển năng lực cho giáo viên và một số vấn đề khác.

          Đoàn chủ tọa điều khiển Hội thảo có GS.TS. Yvonne Pratt-Jonhnson (Trường Đại học St. John’s, Hoa Kỳ); GS.TS. Peter Grootenboer (Trường Đại học Griffith, Úc); TS. Sharon Tindall-Ford (Trường Đại học Wollongong, Úc), TS. Tang Wee Teo (Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore); PGS.TS. Hà Trần Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHTN. Hội thảo đã tập trung vào thảo luận 4 chủ đề chính: (i) Phát triển chương trình; (ii) Dạy học tích hợp, giáo dục STEM và giáo dục đa văn hóa; (iii) Phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; (iv) Mô hình phát triển năng lực cho giáo viên. Ngoài ra, còn một số báo cáo đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (blended-learning); xây dựng các thí nghiệm ảo trong dạy học Vật lý; đánh giá trong giáo dục toán học.

          Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất thêm một số vấn đề: Kỹ năng của giáo viên thế kỷ 21; Giáo dục STEM trong trường học; Phát triển tư duy bậc cao (tư duy phản biện) cho học sinh; Chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mới (trong bối cảnh toàn cầu hóa); Phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý (quản trị nhà trường, phát triển chương trình nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, xã hội hóa giáo dục); Các mô hình phát triển năng lực giáo viên: Kinh nghiệm quốc tế; vấn đề bồi dưỡng qua mạng (Blended Learning); xây dựng cộng đồng học tập dành cho giáo viên (Professional Learning Community).

          Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế, ngày 29/11/2017, Trường Đại học Sư phạm đã tổ chức Xêmina chuyên đề “Developing STEM Education Learning Activities in School Setting” (Phát triển các hoạt động giáo dục STEM trong bối cảnh trường học) do GS.TS. Chokchai Yuenyong đến từ Trường Đại học Khon Kaen (Thái Lan) giảng dạy. Nội dung của Xêmina tập trung vào các nội dung: (i) Định hướng và quan niệm về giáo dục STEM; (ii) Hoạt động “Spinner” và “Water Park”; (iii) Giới thiệu về các hoạt động “Spinner” và “Water Park” theo cách tiếp cận của dạy học STEM; (iv) Các vấn đề và xu hướng nghiên cứu giáo dục STEM.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Bộ phận Truyền thông ĐHSP

Nguồn tin: dhsptn.edu.vn


 
 Từ khóa: hội thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

SỨ MẠNG - TẦM NHÌN - CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ CỦA KHOA TÂM LÝ - GIÁO DỤC

SỨ MẠNG - TẦM NHÌN   1. Sứ mạng Khoa Tâm lý – Giáo dục có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng các chuyên gia giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn và tham vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng, nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý học, Khoa học giáo dục phục vụ sự nghiệp...

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy website của Khoa Tâm lý - Giáo dục thế nào?

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 6
 
  •   Hôm nay 10
  •   Tháng hiện tại 10
  •   Tổng lượt truy cập 1,977,250