1. Lịch sử hình thành và phát triển
Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, trước đây là Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, được thành lập ngày 18 tháng 7 năm 1966 theo Quyết định số 127/CP của Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Địa điểm đầu tiên của Trường tại xã Vinh Quang (nay là xã Phú Lạc), Đức Lương và Phúc Lương huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên.
Năm 1970, Trường chuyển về địa điểm hiện nay: Phường Quang Trung, Thành phố Thái Nguyên.
Năm 1991, Chính phủ quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc vào Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.
Năm 1994, Chính phủ quyết định thành lập Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc trở thành trường thành viên của Đại học Thái Nguyên.
2. Bộ máy tổ chức và Đội ngũ CBGV
Tính đến tháng 12/2016, cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà trường gồm:
- Hội đồng trường; Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng;
- 11 đơn vị chức năng: Phòng Hành chính - Tổ chức, Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục (KT&ĐBCLGD), Phòng Khoa học – Công nghệ và Hợp tác quốc tế (KH-CN&HTQT), Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Công tác Học sinh sinh viên (HSSV), Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Quản trị - Phục vụ, Ban Quản lý Kí túc xá (KTX), Ban Bảo vệ, Trung tâm Thông tin - Thư viện;
- 14 đơn vị đào tạo: Khoa Toán, Khoa Vật lí, Khoa Hóa học, Khoa Sinh học, Khoa Ngữ văn, Khoa Lịch sử, Khoa Địa lí, Khoa Giáo dục Chính trị, Khoa Thể dục thể thao (TDTT), Khoa Giáo dục Tiểu học, Khoa Giáo dục Mầm non, Khoa Tâm lí - Giáo dục, Bộ môn Giáo dục Nghệ thuật, Bộ môn Ngoại ngữ;
- 06 đơn vị nghiên cứu và dịch vụ giáo dục: Viện nghiên cứu Xã hội nhân văn miền núi; Trung tâm Phát triển kỹ năng sư phạm; Trung tâm Ngoại ngữ Sư phạm Việt Bắc; Trung tâm HTQT và Đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; Trung tâm Tin học Miền núi; Trường trung học phổ thông (THPT) thực hành;
Về đội ngũ: Tính đến 12/2016, tổng số cán bộ của Trường là 562 người, gồm 386 người là GV, trong đó có 2 GS, 32 PGS. Số GV có trình độ TS 154 chiếm tỉ lệ 39,9 %; 206 người có học vị ThS (75 người đang học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước) chiếm tỉ lệ 53,4% và 20 người có trình độ đại học chiếm tỉ lệ 6,7%. Tỉ lệ SV đại học chính quy/GV là 16,3 SV/GV quy đổi.
3. Sứ mạng
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao; là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, phục vụ sự nghiệp giáo dục – đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
4. Tầm nhìn
Đến năm 2030, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên là trường đại học trọng điểm theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, ngang tầm với các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á và hội nhập quốc tế; có môi trường học tập, nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có nền tảng học vấn rộng, chuyên sâu, có đủ năng lực cạch tranh và thích ứng với nền giáo dục phát triển.
5. Giá trị cốt lõi: “Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, sáng tạo”
6. Triết lý giáo dục: “Người học là lí do tồn tại và động lực phát triển của nhà trường”
7. Mục tiêu
- Mục tiêu chính trị của Nhà trường trong giai đoạn 2015 - 2020 được tuyên bố trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường ĐHSP lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) ngày 03 tháng 04 năm 2015 là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy mọi nguồn lực, xây dựng Trường ĐHSP – ĐHTN đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phục vụ đắc lực sự phát triển bền vững khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước”.
- Mục tiêu của trường ĐHSP – ĐHTN giai đoạn 2016 – 2020 đã được xác định rõ trong Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường là “ Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông; NCKH phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Người học sau khi tốt nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kiến thức cơ bản, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có khả năng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo và giải quyết những yêu cầu của lý luận, thực tiễn giáo dục đặt ra; có năng lực ngoại ngữ, tin học đủ đáp ứng yêu cầu công việc và hội nhập quốc tế”.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn là vi phạm bản quyền