Dự Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường; PGS.TS Mai Xuân Trường, Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Hà Trần Phương, Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm, các khoa/bộ môn trực thuộc cùng toàn thể giảng viên trong toàn Trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường
phát biểu khai mạc Hội nghị
Sau phát biểu khai mạc của lãnh đạo Nhà trường, Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết 10 năm đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Trong đó, tổng hợp phản hồi ý kiến của các đơn vị về vấn đề: Tổ chức đào tạo; chương trình đào tạo; giáo trình, học liệu; kiểm tra, đánh giá; cơ sở vật chất. Báo cáo đánh giá kết quả đã đạt được, chỉ ra ưu điểm của mô hình đào tạo theo hệ thống tin chỉ như: Sinh viên được chủ động xây dựng kế hoạch học tập; chủ động tham khảo để chọn những môn học phù hợp với nhu cầu; hệ thống đánh giá kết quả học tập của sinh viên khách quan, có tính sàng lọc cao... Đồng thời, chỉ những tồn tại và nguyên nhân của việc áp dụng mô hình này như: Công tác điều hành, quản lý còn bất cập; nhận thức về đào tạo theo hệ thống tín chỉ của giảng viên và sinh viên còn hạn chế; việc tổ chức sinh hoạt lớp, đoàn, hội gặp nhiều khó khăn… Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ như: Đổi mới hệ thống điều hành, quản lý đào tạo theo hướng mềm dẻo, linh hoạt; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan; xây dựng chương trình đào tạo có tính liên thông cao, đáp ứng mục tiêu đào tạo và đổi mới giáo dục ở trường phổ thông; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên và năng lực tự học tập, tự nghiên cứu của sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Phúc Chỉnh, Trưởng phòng Đào tạo đọc báo cáo sơ kết 10 năm
đào tạo theo hệ thống tin chỉ
Hội nghị đã nghe 03 báo cáo tham luận của các đơn vị: Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục về một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đánh giá kết quả học tập của người học, trong đào tạo tín chỉ theo hướng tiếp cận năng lực; tham luận của Phòng Công tác học sinh sinh viên về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý sinh viên, xây dựng hệ thống quản lý và hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp, trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ; tham luận của Khoa Giáo dục Tiểu học về vai trò của cố vấn học tập trong đào tạo tín chỉ. Hội nghị đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận, với gần 10 ý kiến phát biểu đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Kết luận Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường nhấn mạnh: Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là mô hình đào tạo được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Qua 10 năm triển khai thực hiện mô hình này, Trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng tồn tại những hạn chế, bất cập. Trường giao cho các đơn vị liên quan, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tiếp tục phối hợp, rà soát lại chương trình đào tạo, tổ chức tốt công tác đào tạo và kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo; tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Sau hơn 3h làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ và khoa học, Hội nghị sơ kết 10 năm đào tạo theo hệ thống tín chỉ của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã thành công tốt đẹp./.
Một số hình ảnh Hội nghị:
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn là vi phạm bản quyền